MAY

View Original

3 cách để tụi mình trở nên thú vị hơn

Mình đã từng thật nhút nhát, tự tin và rất ngại giao tiếp.

Thật khó tin khi nhìn lại quãng đường ấy. Nhất là khi bây giờ mình đã mọc “nanh vuốt” ra rồi. Luôn sẵn sàng làm quen, gặp gỡ người mới, hay tự tin trước những vị khách hàng lần đầu tiên mới gặp. Rất thoải mái và dễ chịu.

Nhớ lại, một trong những niềm tin ngăn cản mình hồi ấy chính là “mình thật tẻ nhạt, chẳng có gì để gây ấn tượng với người khác”.

Nói năng thì lập bập. Thái độ thì ngại ngùng. Chẳng giỏi giang xuất sắc ở chuyện gì. Còn không thể thoải mái khi gặp một người mới, chứ đừng nói đến việc gặp gỡ đối tác khách hàng hay nói chuyện trước đám đông. Mình lúc nào cũng muốn tàng hình! Với 1 cuốn sách và một ly nước trà.

Có thể chính nhờ mấy quyển sách ấy, mình đã dần dà trở nên thú vị hơn một cách thật tự nhiên, mà mình cũng không thể lường trước. Mình khám phá ra bí quyết đầu tiên để trở nên thú vị chính là:

  1. Quan tâm đến một chủ đề, một chuyện, một thứ gì đó.

    Vì mình nhút nhát, e ngại và mơ mộng, làm bạn với sách dễ hơn gấp nhiều lần làm quen với bạn. Đó là thế giới mình trốn vào và cảm thấy an toàn nhất. Mình đọc mọi thứ mình có thể đọc được. Hồi ấy chẳng phải vì mình thích những chủ đề sách mang tới. Mà đơn giản chỉ vì mình cảm thấy an toàn khi đọc sách. Chẳng phải nói chuyện gì với ai. Thư viện tỉnh Gia Lai hồi ấy bé tí xíu xiu. Mình cũng không có tiền để mua thêm sách. Có gì đọc ấy hoặc đọc ké truyện tranh của bạn. Nhờ Bảy Viên Ngọc Rồng hay Doremon mình có thể nói với bạn về một cái gì đó. Lớn lên chút thì nhờ Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai. Lớn nữa thì bao nhiêu là chủ đề hay ho để có cái gợi chuyện hay tiếp chuyện.

    Mình gặp rất nhiều người thú vị. Và phát hiện ra một điều: Những người ấy thường có chủ đề thú vị. Những thứ mình không hề biết để chia sẻ.

    Đó thường là những thứ họ quan tâm. Một sở thích, một thú vui. Bất cứ cái gì họ để tâm, dành thời gian tìm hiểu. Và hiểu biết về nó.

    Nói chuyện với họ mình cảm thấy thế giới và thế giới quan của mình được mở rộng thêm. Ah hoá ra trên đời này có cái gọi là “năng lượng sinh học” để hạ bớt cơn đau, hoá ra lại có trò Tapping, hoá ra “Ruột là bộ não thứ 2”, hoá ra lại có làng làm giấy gió ở miền Bắc, vân vân và mây mây.

    Để trở nên thú vị có thể đơn giản như thế đấy! Chỉ cần tìm hiểu điều mình thích mỗi ngày một chút!

    Hãy thử:

    - Liệt kê ra danh sách 5 chủ đề bạn muốn tìm hiểu. Hay 3. Hay 1. Bất cứ điều gì. Làm thế nào để có thể làm bánh khi không có lò nướng? Làm thế nào nấu món gà chiên mắm siêu ngon bất bại? Làm thế nào để sắp xếp màn hình iphone theo cách bạn muốn? Làm thế nào để trồng một cây hương thảo tươi tốt sống lâu hơn 3 tháng? Bất cứ chủ đề nào!

    - Chọn 1-3 chủ đề bạn muốn tìm hiểu! Chọn nhiều quá cùng một lúc sẽ khiến tụi mình cảm thấy hơi loạn. Hơi nhiều quá! Chọn ít quá thì nhiều khi hơi chán. Đó là đối với mình! Còn thì, bạn cứ chọn theo bất cứ cách nào bạn thấy thoải mái, làm thử rồi điều chỉnh! Chẳng có gì đúng được ngay từ đầu.

    - Hãy lên lịch một cách có ý thức, mỗi ngày ít nhất 5 phút dành cho chủ đề đó cũng được. Nhưng kiên trì đều đặn mỗi tuần đều tìm hiểu chủ đề đó một ít. Hãy tận hưởng vì đây chẳng phải học hành hay cạnh tranh gì với ai. Cứ túc tắc nuôi dưỡng cho thú vui này! Nhưng nếu không lên lịch thì sẽ dễ bị quên lắm!

    Nếu bạn chẳng có gì muốn tìm hiểu điều gì nhiều, yên tâm, tụi mình chẳng cần biết tuốt tuồn tuột mà vẫn có thể rất thú vị. Bạn biết tại sao không? Vì người đối diện (trong hầu hết các trường hợp) đều rất thích được nói, thích được chia sẻ “điều họ quan tâm”, vậy nên, chiêu thứ 2 để trở nên thú vị siêu dễ luôn là:

  2. Quan tâm tới người đối diện.

    Nếu bạn có từng quan sát một cuộc nói chuyện nghe lỏm nào đó trong 1 quán cafe, đôi khi bạn sẽ bật cười vì dường như điều mà hai người kia đang nói có vẻ chẳng ăn khớp gì với nhau. Theo kiểu ông nói gà bà nói vịt. Rất nhiều người không nhận ra: ai cũng thích nói, rất ít người thích nghe! Đôi khi mình có cảm tưởng chúng ta đang sống trong một nền văn hoá mà ở đó việc nói được đặt nặng hơn rất nhiều.

    Và, haizz, ai chả có một bầu tâm sự. Nếu tìm được người có thể nghe mình chia sẻ thì còn gì tuyệt hơn!

    Khi ai đó thực sự lắng nghe và quan tâm tụi mình, điều đó tạo ra một cảm giác kết nối sâu sắc. Bởi vì nhu cầu cơ bản của tất cả tụi mình là được thấu hiểu và được công nhận. Hãy thử tưởng tượng bạn đang chia sẻ một câu chuyện, và mình dường như bị cuốn hút vào từng lời bạn nói. Mình gật đầu, mỉm cười, và đặt những câu hỏi thể hiện sự quan tâm chân thành. Bạn cảm thấy như thế nào? Có phải bạn bỗng thấy mình trở nên thú vị hơn, tự tin hơn, và muốn chia sẻ nhiều hơn nữa?

    Điều này xảy ra vì khi được lắng nghe, tụi mình cảm thấy được tôn trọng và có giá trị. Những gì tụi mình nói đáng để người kia dành thời gian và sự chú ý. Cảm giác này khiến tụi mình cảm thấy được nâng đỡ và được công nhận.

    Để nghe được, tụi mình cần quan tâm đến người đối diện. Quan tâm đến cảm xúc, ý kiến, thái độ. Quan tâm đến chủ đề, vấn đề người ấy đang nói. Quan tâm không có nghĩa tụi mình cần đồng ý với quan điểm hay ý kiến người kia. Mà là mở rộng lòng lắng nghe để hiểu thêm về người ấy.

    Tại sao họ lại có cảm giác như vậy? Tại sao họ lại có ý kiến như vậy? Sao họ lại có nhiều kiến thức về chủ đề đó dữ vậy ta ơi? Như nhà văn Ernest Hemingway từng nói: "Tôi thích lắng nghe. Tôi học được rất nhiều từ việc lắng nghe cẩn thận. Hầu hết mọi người không bao giờ lắng nghe."

    Tụi mình có thể tập kỹ nắng hiếm quý và thực sự cần thiết này:

    Lắng nghe! và thực sự quan tâm đến người đối diện.

  3. Quan tâm tới quá khứ và trải nghiệm của bản thân.

    Mình chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua nhiều chuyện. Từ khi còn thơ bé, đi học, rồi lớn lên đi làm, ai ai cũng sẽ có những khó khăn, vấp ngã. Có thể hoàn cảnh cụ thể của từng tụi mình khác nhau, những chuyện xảy ra cũng khác nhau, nhưng về bản chất tụi mình đều gặp những khó khăn tương tự nhau. Như làm thế nào để kết bạn? Làm thế nào để tán đổ người mình yêu? Làm sao để kiếm được nhiều tiền? Làm sao để thăng tiến? Làm sao để lập nghiệp? Làm sao vượt qua khi gặp hoàn cảnh khó khăn và cảm xúc hỗn loạn? Làm sao để hạnh phúc?

    Việc quan tâm tới những trải nghiệm, những vấp ngã rất quan trọng. Tất cả những thứ tụi mình đã đi qua đều đáng giá, đều là một viên gạch tạo nên cuộc sống của tụi mình. Tụi mình có thể chiêm nghiệm, suy ngẫm, rút ra một số bài học, sắp xếp lại một vài viên gạch.

    Và chia sẻ.

    Nhưng chia sẻ của tụi mình đều rất đáng giá. Nó giúp cho người khác hiểu thêm về con người, cuộc đời của tụi mình. Và cũng giúp họ nhìn lại, suy ngẫm. Có thể là còn học hỏi nữa.

    Những trải nghiệm, kinh nghiệm hay những gì bạn đã trải qua giống như một câu chuyện độc đáo riêng biệt sẽ làm nên tích cách khác biệt và phần hấp dẫn, thú vị rất riêng của bạn.

    Hãy tự hỏi, và viết ra càng tốt:

    Trải nghiệm nào mà bạn đã có ấn tượng với bạn nhất? Bạn có nhớ lúc ấy, bạn nghe thấy gì, nhìn thấy gì, cảm thấy gì và ngửi thấy mùi gì không? Trải nghiệm ấy đã mang lại điều gì cho bạn?

    Hãy chia sẻ với May nhé!