MAY

View Original

Bạn có biết “suy nghĩ quá nhiều” ảnh hưởng tới chất lượng sống tiêu cực như thế nào?

May là một người suy nghĩ rất rất nhiều. May đã luôn nghĩ rằng suy nghĩ nhiều là dấu hiệu của sự có trách nhiệm, trưởng thành và thông minh. Thế nhưng, trong hầu hết các trường hợp, May cảm thấy mình như một con thoi vụng về, đan dệt những sợi suy nghĩ không ngừng rối rắm trong tâm trí. Đôi khi, chính những sợi tơ mảnh ấy lại trở thành xiềng xích, trói buộc mình vào một vòng lặp vô tận của lo âu và mệt mỏi.

Càng lớn lên mình mới càng phát hiện ra rằng suy nghĩ quá nhiều và suy ngẫm chất lượng hoàn toàn khác nhau. Thực tế là suy ngẫm của tụi mình khó mà chất lượng được khi có quá nhiều suy nghĩ chồng chéo, mâu thuẫn và hỗn loạn.

Suy nghĩ quá nhiều, hay còn gọi là "overthinking", có thể tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của tụi mình. Hãy cùng May điểm qua những tác động không thể ngờ tới của suy nghĩ nhiều, để tụi mình biết sợ mà có động lực “bớt nghĩ suy” nha!


  1. Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần

Trong cuốn sách "The Mind and the Brain" (2002), bác sĩ Jeffrey M. Schwartz đã giải thích về hiện tượng "neuroplasticity" - khả năng thay đổi cấu trúc của não bộ. Suy nghĩ quá nhiều có thể tạo ra các "đường mòn" trong não, khiến tụi mình dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực.

Những nghiên cứu khoa học khác cũng đã chứng mình suy nghĩ quá mức kích hoạt vùng não liên quan đến lo âu và trầm cảm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng mạn tính, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngoài ra, xu hướng này còn tăng stress và giảm khả năng đối phó: Nghiên cứu năm 2017 của tiến sĩ Amelia Aldao tại Đại học Ohio State đã chỉ ra rằng overthinking làm tăng mức độ stress và giảm khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Suy nghĩ quá mức có thể làm suy giảm lòng tự trọng và sự tự tin của tụi mình. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tự ti, đôi khi bất lực và thậm chí có giây phút tuyệt vọng. Thử nghĩ mà xem, khi tụi mình ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó, mà tụi mình quá rối rắm, triền miên nghĩ ngợi thì tụi mình có vui nổi, có cảm hứng nổi hay sáng suốt nổi hay không?

2. Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất

Suy nghĩ nhiều không dừng lại chỉ một thói quen tâm lý đơn thuần mà còn liên quan chặt chẽ đến các quá trình sinh lý trong não bộ. Việc suy nghĩ quá nhiều có thể gây ra một hay nhiều triệu chứng sau đây. (May có hết nguyên danh sách này trước đây và tới giờ hậu quả vẫn có thể cảm nhận được, vì giờ vẫn đôi lúc suy nghĩ quá nhiều! 😂)

Mệt mỏi triền miên

Khi tụi mình liên tục suy nghĩ, não hoạt động không ngừng nghỉ. Điều này khiến cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài. Tụi mình có thể cảm thấy uể oải, thiếu sức sống ngay cả khi vừa thức dậy sau một đêm dài.

Rối loạn giấc ngủ

Đầu óc sao mà dịu lại nổi, cơ thể sao thư giãn nổi khi suy nghĩ rối ren cứ lùng bùng trong đầu. Ngay cả khi những khi những suy nghĩ này không rối ren nhưng cứ liên tục như dòng thác lũ, chúng vẫn có thể gây kích thích, kéo theo những đêm mất ngủ. Mình hiếm thấy người nào suy nghĩ quá nhiều mà ngủ ngon. Mình cũng rất nhiều đêm mất ngủ. Tụi mình có thể rơi vào tình trạng mất ngủ mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Mà khi ngủ, quá trình phục hồi cơ thể diễn ra mạnh mẽ nhất. Nên đương nhiên việc tái tạo tế bào, phục hồi cơ bắp, điều chỉnh hormon, hỗ trợ hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Kéo theo hậu quả là tụi mình rất dễ bị:

Đau đầu và căng cơ

Sự căng thẳng tinh thần khi suy nghĩ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng căng cơ, đặc biệt là ở vùng vai, cổ và đầu. Đau đầu căng thẳng là một trong những triệu chứng phổ biến của suy nghĩ quá nhiều. Đến giờ ngay cả khi đã cố gắng giảm thiểu tối đa suy nghĩ lung tung, May suốt ngày phải đi massage hoặc trị liệu vai cổ gáy!

Rối loạn tiêu hóa

Mối liên hệ giữa não bộ và hệ tiêu hóa rất mật thiết. Khi bạn lo lắng quá mức, cơ thể có thể phản ứng thông qua các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, hoặc thậm chí là hội chứng ruột kích thích hay đau dạ dày. Mẹ là người đầu tiên đã nói cho mình biết việc mình đau bụng thường xuyên là do quá căng thẳng. Vì những khi căng thẳng mẹ cũng thế. Và nghiên cứu của tiến sĩ Emeran Mayer tại Đại học California cũng đã khẳng định điều ấy.

Suy giảm hệ miễn dịch

Căng thẳng kéo dài cho suy nghĩ quá nhiều có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Tụi mình dễ bị cảm cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác hơn bình thường đấy!

3. Ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển cá nhân

Có lẽ tụi mình cũng muốn dành thời gian suy nghĩ về sự phát triển của bản thân hay sự nghiệp. Nhưng suy nghĩ quá nhiều chắc chắn là không tốt chút nào! Ngược lại, cái chuyện này còn ảnh hưởng nặng nề tới khả năng và năng suất trong việc phát triển bản thân.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau,

  • Suy nghĩ quá nhiều sẽ làm giảm khả năng tập trung, khi tâm trí liên tục bận rộn với những suy nghĩ không liên quan, khả năng tập trung vào nhiệm vụ hiện tại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Suy giảm trí nhớ làm việc - một yếu tố quan trọng trong học hỏi, công việc và giải quyết vấn đề.

  • Tạo áp lực không cần thiết: Suy nghĩ quá nhiều có thể dẫn đến lo lắng quá mức về hiệu suất hay kết quả công việc, tạo ra áp lực không cần thiết và thậm chí gây ra hiện tượng "đóng băng" khi đối mặt với nhiệm vụ quan trọng.

  • Giảm khả năng ra quyết định: Tiến sĩ Barry Schwartz từ Đại học Swarthmore, trong cuốn sách "The Paradox of Choice" (2004), đã giải thích rằng suy nghĩ quá mức có thể dẫn đến "tê liệt phân tích" - tình trạng khó khăn trong việc đưa ra quyết định do cân nhắc quá nhiều lựa chọn. Làm tụi mình trì hoãn không cần thiết và có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội đang đến vì bận làm cho mọi thứ “hoàn hảo đúng ý”.

    Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng suy nghĩ quá mức ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tăng nguy cơ kiệt sức, và ảnh hưởng tiêu cực lên các mối quan hệ (với bản thân và với người khác). Khi tụi mình có xu hướng suy nghĩ quá mức, tụi mình thường hay phân tích quá kỹ lưỡng các tương tác xã hội, rồi suy diễn lung tung, rời ra gốc rễ ban đầu của bản chất sự việc hay ý thực của người kia, dẫn đến hiểu lầm và xung đột không cần thiết.

Phew, tổng hợp lại đến đây là May mệt luôn! Nên hẹn bạn tụi mình cùng khám phá các bước nhỏ tụi mình có thể đi để sắp xếp lại sự hỗn loạn của suy nghĩ nhé!

Còn bạn thì sao? Bạn có hay suy nghĩ quá nhiều giống như May không? Bạn thấy mình bị ảnh hưởng như thế nào hay vẫn ổn? 😂