Khi cách bạn nói thể hiện nhiều hơn lời bạn nói
Mình có một kinh nghiệm nhớ đời hồi mới chập chững bước vào ngành quảng cáo. Vụ này là cơn bão đầu tiên đẩy mình ra khỏi sự nhút nhát tự ti cố hữu của mình.
Hồi đó, mình theo phụ sếp trong một buổi chụp hình cho một loại sơn. Cả team đã đau khổ ngỡ ngàng khi một dàn 30 “anh chàng giọt sơn” xuất hiện trong bộ mascot nhăn nhúm thảm thiết. Theo brief, đáng ra các anh ấy phải là những giọt sơn trơn láng đầy đặn.
Sếp người nước ngoài, nên thường chỉ giao tiếp với client, còn việc giao tiếp với mọi người còn lại, thường là đổ lên mình - một cô bé hướng nội siêu nhút nhát, chân ướt chân ráo từ quê lên Sài Gòn đã 2 năm mà vẫn chưa thực sự bắt nhịp được mọi thứ.
Sau một hồi chụp thử rồi nghỉ giải lao, sếp bảo mình tập hợp các “anh sơn” lại, thành hàng lối chỉnh tề (hình theo brief), xong thì chạy ra báo sếp (đang tranh thủ cười duyên tám network với client). Mình run như cầy sấy, ngại muốn chạy khỏi set nhưng lại sợ mất việc nên lấy hết can đảm nhỏ nhẹ nói với dàn “anh sơn” cao lớn áp đảo:
“mấy anh ơi, xếp hàng lại giúp e với! chuẩn bị chụp lại ạ.”
Nói xong câu, mình định sẽ quay mặt bước đi nhanh nhất có thể thì nghe cả đám “sơn” phá lên cười. Mấy ảnh không hợp tác. Và bắt đầu trêu mình. Một cô bé 19 tuổi mặt mày vẫn ngơ ngác như bê lạc mẹ là một đối tượng tốt để giai khuây khi phải cố gắng vung tay chân trong bộ mascot đồ sộ nóng nực. Đó là mình đoán thế chứ ai mà biết được mấy ổng nghĩ gì!
Mình chẳng nhớ nổi nguyên dàn chọc mình hết hay chỉ vài người nhưng chắc chắn nguyên dàn không xếp hàng. Sau vài lần năn nỉ và nhìn đồng hồ sốt ruột khi thấy giờ giải lao sắp hết. Sếp sắp vào. Mà mọi thứ vẫn là một đống hỗn loạn. Cả trước mặt lẫn trong lòng mình.
Mình vừa xấu hổ, vừa bất lực, vừa tức giận. Cơn giận càng lúc càng lớn trào lên cuồn cuộn trong lòng mình như sóng dập bờ ngày sắp bão. Mình định chạy đi trốn nó, và cũng định báo sếp: e chịu không làm được! Thì đột nhiên mình quay ngoắt người lại, nhìn thằng đám “sơn” vẫn đang cười đùa chọc với theo, đứng im một chút, đột ngột quát lên thật to, rồi bước đi. Có lẽ cơn tức giận ấm ức tích tụ từ bao năm bị chọc ghẹo và bắt nạt bùng nổ. Mình đã chưa bao giờ có thể thể hiện cảm xúc bản thân ra như thế. Cơ thể mình lúc ấy dường như không chịu nổi nữa. Mình không kiềm nén nổi nữa. Đó là một cảm giác kì lạ. Nó ập đến, cuốn trọn mình đi. Trước khi mình kịp suy nghĩ gì.
Kì lạ thay, mấy “anh sơn” đột nhiên im ắng hẳn. Rồi rì rào vào hàng.
Mình bước ra toàn thân nóng bừng bừng, báo sếp mọi thứ đã sẵn sàng. Giây phút ấy mình nhận ra hai điều:
Cảm giác đứng lên bảo vệ chính mình (hay ý kiến của mình) cảm thấy khá là khoái (dù trong cơn tức giận)
Việc tức giận, quát tháo cũng ổn nếu nó mang lại kết quả mình mong muốn. Hú hồn thật!
Người ta không bị tác động bởi những gi mình nói (hoặc bị tác động cực kỳ yếu). Người ta bị tác động bởi cách mình nói. Cảm xúc mình có khi mình nói.
Mãi sau này mình mới biết:
Theo giáo sư Albert Mehrabian tại UCLA sau hàng loạt nghiên cứu về giao tiếp của con người chỉ có 7% thông điệp được truyền tải qua lời nói, trong khi 38% là qua giọng điệu và 55% là qua ngôn ngữ cơ thể.
Mình không biết các con số trên có thực sự chuẩn xác chi li từng số như thế nếu bạn gặng hỏi! Nhưng mình chắc chắn tông giọng, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể cực kỳ ảnh hưởng tới chất lượng của một cuộc trò chuyện.
Khi bạn muốn thể hiện mình đang lắng nghe, ánh mắt bạn có đang chăm chú, giọng điệu bạn hỏi có đang thực sự quan tâm?
Khi bạn present lợi ích của một dịch vụ cho khách hàng tiềm năng, bạn có đang cảm thấy tự tin, giọng điệu và cử chỉ của bạn có đang thể hiện điều đó?
Và khi giao tiếp, chẳng phải kết quả mình muốn đạt được trong cuộc nói chuyện/thuyết trình chẳng phải là quan trọng nhất hay sao!
Nên hãy nhớ tự hỏi:
Mình muốn truyền đi thông điệp gì? Mình muốn người kia cảm thấy thế nào hay hành động gì?
Tông giọng và cơ thể mình có đang góp phần đẩy mình đến mục tiêu mình muốn đến?
Nếu trong cuộc trò chuyện, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mình đi chệch hướng, hãy dừng lại một chút. Hít thở nhè nhẹ, và từ từ điều chỉnh lại.