MAY

View Original

2 bước đơn giản để từ chối một cách lịch thiệp

Tại sao nói không khó dữ ta ơi?

Hầu hết tụi mình, dù it hay nhiều, trong một hoàn cảnh nào đó, đều gặp khó khăn khi nói không. Ngay cả khi ta nói không với những điều mình không muốn làm, với những người mình không muốn gặp. Mình cũng đã như thế. Không thể từ chối người khác. Sợ mất lòng. Sợ đánh mất hình ảnh tốt đẹp, đảm đang, hay giúp đỡ vốn chưa hề tồn tại. Ôm đồm bao thứ bao việc xong lại căng thẳng, quá tải. Luôn bận rộn và cảm thấy thật khô cứng, chật chội và bế tắc. Thất vọng với bản thân vì ngày tháng trôi qua mà bao việc vẫn chưa làm được, ước mơ bỏ xó chưa rớ tới.

Có lẽ từ thuở xa xưa và đến cả bây giờ, con người chỉ tồn tại được trong hội nhóm cộng đồng. Chúng ta đã dựa vào nhau mà sống sót được cho đến tận ngày hôm nay. Nên một cách tự nhiên tụi mình cần phải có những hành động để được “thuộc về”, để được chấp nhận, bởi người khác. Nên nói “có” là một phản xạ cực kỳ tự nhiên. Dù có những chuyện, với những người, nói “không” là điều hoàn toàn chính đáng và hợp lẽ. Thế nhưng, nỗi sợ bị đẩy ra, bị chối từ có lẽ đã lớn đến mức thà chúng ta chọn nói “KHÔNG” với chính bản thân mình để nói “CÓ” với người khác.

Và trong một thời gian dài, mình đã không đánh giá được tầm quan trọng của việc từ chối.

Tại sao từ chối lại quan trọng?

  • Vì tụi mình chỉ có đúng 24 tiếng mỗi ngày.

    Quỹ thời gian của tụi mình chỉ có 24 tiếng đồng hồ. Khi nói CÓ với một việc nghĩa là mình đang nói “KHÔNG” với một việc gì đó khác. Dành thời gian, năng lượng làm việc gì đó cho người khác là đang bớt thời gian và năng lượng để làm việc mình muốn làm.

    Mỗi ngày là một viên gạch làm nên ngôi nhà của cuộc đời tụi mình. Tụi mình chỉ có “mỗi ngày” chính là “ngày hôm nay” ấy thôi. Đó là toàn bộ tài sản. Khi tụi mình còn được hít thở ngày hôm nay thì ngày hôm nay cùng với năng lượng sống của chúng ta là những gì quý giá nhất mà tụi mình có. Mỗi giây phút tạo nên một ngày. Mỗi ngày gom lại tạo nên cả cuộc đời của chúng ta. Và việc chọn làm gì với những giây phút quý báu hiện tại này ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi ngày còn lại và kiến tạo ra tương lai của chúng ta. Thế nên, việc chọn hay KHÔNG chọn làm việc gì, với ai là cực kỳ quan trọng.

  • Vì tụi mình quan trọng.

    Những việc tụi mình muốn làm quan trọng, ít nhất với bản thân tụi mình. Vì tụi mình sống có một lần! Okay, có thể năng lượng nguyên thuỷ hay linh hồn của chúng ta (hay bất cứ từ gì bạn gọi) tồn tại mãi nhưng thân thể, hoàn cảnh, những tài năng riêng biệt, những hoài bão và sở thích hiện tại, là duy nhất! Và mình thấy sự duy nhất ấy thực sự lung linh. Sự độc nhất của bạn làm cho thế giới này trở nên phong phú và đáng yêu đến chừng nào!

    Phải nói là mình thấy vô lí và bực bội khi ánh sáng rạng rỡ đó cứ le lói vì chúng ta đã cạn kiệt năng lượng bên trong cho những ước muốn của mình. Vì bận làm hài lòng người khác. Nỗi bực bội khi thấy sự bận rộn cả nể cạn kiệt năng lượng của những cô gái xung quanh đến từ chính cảm giác bức bối, khó chịu và thất vọng của chính bản thân mình đã cố gắng chiều lòng người khác mà lờ đi tiếng lòng của bản thân.

    Từ chối tối quan trọng vì làm hài lòng bản thân là cực kỳ quan trọng. Không có gì là ích kỷ hay xấu tính ở đây cả. Mỗi người đều có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho ánh sáng của bản thân mình được toả rạng. Dù ánh sáng đó được toả rạng khi bạn trồng dưa leo, hay nuôi cá, vẽ vời, ca hát, hay bán hàng online, hay là chủ một doanh nghiệp. Bất cứ điều gì bạn muốn làm đều xứng đáng được bạn dành thời gian cho nó, cắt bớt thời gian cho việc khác hay người khác.

    Và ngay cả khi bạn không làm gì cả. Bạn từ chối để đánh một giấc ngủ trưa. Hay chill ở quán cafe quen thuộc với ly cold brew mát lạnh, đi dạo công viên với cún cưng. Bạn xứng đáng được như thế!

    Mình không cổ vũ thái độ thờ ơ hay lạnh lẽo. Nhưng hãy nghe tiếng thủ thỉ ngại ngùng nhỏ xíu (hoặc có khi kêu gào) của con tim mình. Hãy chắc chắn rằng bạn đặt bản thân lên trước tiên. Vì mối quan hệ với bản thân chúng ta là nền tảng nhất. Chỉ khi mối quan hệ này được nuôi dưỡng vững chắc, thì các mối quan hệ bên ngoài mới có thể bền vững chân thật.

    Có thể tụi mình sẽ hơi rén, hơi sợ, hơi e ngại, lỡ mà mình nói KHÔNG, người kia giận mình, nhỡ mình mất cơ hội gì đó, nhỡ mình làm người kia buồn.

    Yên tâm! Hãy nhớ rằng khi từ chối một cách ngọt ngào, lịch thiệp thì có khi người kia không giận mà còn đề cao tụi mình á chứ!

Làm thế nào để từ chối một cách lịch thiệp?

Cấu trúc sẽ bao gồm 2 phần:

  1. Bày tỏ sự biết ơn người ta đã nghĩ đến mình mà nhờ/rủ mình làm việc gì đó. Hãy ghi nhận họ.

  2. Nhẹ nhàng nói không một cách rõ ràng và kiên quyết.

    Ví dụ như:

    • Em vui ghê khi nhận được lời mời, cảm ơn chị rất nhiều! mà tiếc quá, em sẽ không đi được, em sẽ phải hoàn thành xong một deadline cuối tuần này.

    • Uiii tui không nghĩ là tui muốn làm vụ này đâu! cảm ơn bồ nghĩ đến tui nha! Mà pass á!

3 “Không” khi nói “Không”

  1. Không xin lỗi: Hãy xin lỗi khi bạn gây chuyện! Bạn chỉ đơn giản là từ chối. Well, cũng có những người sẽ đánh đồng việc “từ chối” là gây chuyện. Trường hợp này lại càng nên từ chối nhiều hơn, nhiệt thành hơn, và ngọt ngào hơn. Vì có lẽ họ cần nhiều tình huống bị chối từ một cách ngọt ngào hơn để hiểu rằng “từ chối không phải gây chuyện, nài ép người khác làm một việc người ta không muốn mới là gây chuyện.” Thay vì nói "Xin lỗi, tui không thể...", hãy thử "Cảm ơn bồ đã mời mình nha, mình rất vui á, nhưng mình không thể tham gia được".

  2. Không nói dối: Nói thật thì đôi khi hơi khó, nhưng nó sẽ giúp tụi mình tránh được rắc rối. Rắc rối lớn thứ nhì là biết đâu vũ trụ xô đẩy họ phát hiện ra. Từ chối chưa chắc làm người kia mất lòng nhưng nói dối chắc chắn là mất niềm tin. Rắc rối lớn nhất là mình biết mình đang nói dối. Cái rắc rối này có thể dai dẳng ở trong đầu tụi mình lâu hơn tụi mình mong muốn. Thay vì bịa ra lý do, hãy thẳng thắn: "Tui cần hoàn thành deadline siêu gấp của tui rồi huhu". Sự chân thành, chân thật của bạn sẽ được đánh giá cao hơn bạn nghĩ.

  3. Không biện minh: Nếu không thực sự cần thiết, đừng giải thích hay biện minh cho sự lựa chọn của mình. Tụi mình có thể sẽ lâm vào một cuộc tranh luận, thuyết phục, chứng minh dài dòng và mất thời gian. Không phải ai cũng hiểu và muốn hiểu điều gì quan trọng với chúng ta. Nên hãy ngắn gọn, nhẹ nhàng và kiên quyết.

3 “Có” khi nói “Không”

  1. Động cơ đúng đắn: trước khi nói "không", hãy tự hỏi: "Mình từ chối vì lý do gì?" Nếu đó là để bảo vệ thời gian, sức khoẻ, công việc hay giá trị, ước mơ của bản thân thì hãy mạnh dạn. Và nếu điều người kia mong muốn cũng hợp với điều bạn muốn làm, thì quá tuyệt rồi còn gì!

  2. Từ ngữ hợp tình: Dùng những câu như "Cảm ơn chị/anh/bồ đã nghĩ đến em/tui, nhưng..." hoặc "Tui rất muốn giúp á bồ ơi, nhưng đợt này tối mắt tối mũi luôn rồi.." sẽ làm người nghe cảm thấy được tôn trọng. Nhớ nói ngắn gọn, rõ ràng và chân thành nha!

  3. Thái độ dễ thương: Từ chối không có nghĩa là bất đồng. Hãy trân trọng ý định của người kia. Họ đã tin tưởng Giọng điệu nhẹ nhàng, nụ cười ấm áp và ánh mắt chân thành sẽ giúp lời từ chối của bạn dễ được chấp nhận hơn đấy. Hãy thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu với người đối diện nữa nhé!

Làm sao khi người kia cứ nằng nặc nài nỉ?

Vẫn hãy nhẹ nhàng và kiên quyết. Đây là cơ hội để tụi mình luyện tập cách bảo vệ ranh giới thời gian và năng lượng. Nên vẫn đừng quên cảm ơn và chối từ lại, một cách ngọt ngào và lịch thiệp. Nhớ hãy ngắn gọn và không cần giải thích biện minh.

  • Cảm ơn chị lắm, và thật sự em không thể giúp chị được. Nếu như em nghĩ ra ai phù hợp hơn, em sẽ nhắn chị liền nhé!

  • Tui rất tiếc luôn á, tui không tham gia với bồ được. Hay rủ B đi cùng đi ha!

Cuối cùng, đừng quên điều này: Mỗi lần bạn nói "không" với điều không phù hợp, là bạn đang nói "có" với chính mình và những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn đấy! Vậy nên, đừng ngại nói "không" khi cần thiết nhé. Hãy sử dụng thời gian và năng lượng của mình theo cách mình mong muốn! Bạn hoàn toàn xứng đáng.