3 bài học giá trị trong 3 năm trị liệu trầm cảm

Sau khi được kết luận bị “trầm cảm rối loạn lưỡng cực và rối loạn đa nhân cách”, mình bắt đầu hành trình điều trị với với bác sĩ Mark ở Family clinic 2 tuần một lần, và bác Ford, chuyên viên trị liệu tâm lý mình biết từ bệnh viện Columbia 1 tuần 1 lần, trong 3 năm.

Đó là 3 năm đầy lên xuống, lúc tràn ngập hi vọng, lúc cùng cực xuống đáy, ah, đương nhiên rồi vì mình “lưỡng cực” mà!

Và đây là 3 bài học quý giá nhất của mình trong hành trình 3 năm này:

1. Đào bới vấn đề không giúp giải quyết vấn đề 

Mình đã từng nghĩ tập trung vào nguyên nhân sẽ giúp gỡ rối vấn đề. Mình đã nghĩ nếu mình biết hết những nguyên nhân này, mình sẽ hết trầm cảm, nhưng chuyện đó đã không hề xảy ra. 

Thứ nhất,

Dù biết những sự kiện, nguyên nhân chính gây ra một số sang chấn tâm lý, tổn thương, trầm cảm cũng không vì mình đã biết những lý do ấy mà biến mất.

Trong 3 năm trị liệu tâm lý, mình đã biết rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một số tổn thương, định hình , như: Lúc hơn 1 tuổi, mẹ đã gửi mình đến nhà ông Kha, một căn nhà có cái giếng trước sân bao quanh là hàng rào sắt thấp, để cai sữa. Có thể não mình đã tự nhận định là mình đã bị bỏ rơi và bị kích thích hoảng sợ. Một cách nào đó, sự kiện này đã hằn sâu trong trí nhớ cùng một cảm xúc hoảng sợ mãnh liệt, tới mức 20 năm sau, chỉ cần đứng trước một căn nhà tương tự, mình sẽ tràn ngập cảm xúc sợ hãi, hoảng loạn, cảm thấy mình bị bỏ rơi mà không hiểu vì sao.

Biết được sự kiện này không hề giúp mình thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng cùng cực ập đến chỉ vì nhìn thấy một căn nhà tương tự.

Biết tại sao mình có một số xu hướng cảm xúc nhất định, cũng hữu ích nhưng mình vẫn không hết trầm cảm. 

Suy nghĩ mình vẫn hỗn loạn, cảm xúc vẫn lên xuống thất thường, 

Những thói quen về suy nghĩ, và cảm xúc, trong suốt 20 năm trước đã hình thành vững chắc, và không hề thay đổi chỉ vì mình biết nguyên nhân. 

Thứ hai,

Mình không thể nhớ hết được các tương tác, va chạm mà mình đã vô thức chọn bị tổn thương bởi chúng. 

Việc đào bới tìm tòi có thể tốn 3 năm, 5 năm hay cả một đời người.

Sau một thời gian dài mò mẫm, mình mới biết rằng, cái mình nên tập trung không phải là nguyên nhân nữa.

những gì người khác làm đã làm rồi, 

những gì người khác nói đã nói rồi,

nhưng giờ đây họ không còn làm, không còn nói nữa,

chỉ có mình,

cứ tua đi tua lại (vô thức hay có ý thức), rồi bị kích thích, rồi bị ngập chìm trong đống cảm xúc suy nghĩ đó. 

Sao cũng được, mình đã chọn phản ứng tổn thương từ lời nói hay hành động của ai cũng được, mình không nên dành năng lượng cho chuyện đào bới, oán trách người khác hay oán trách bản thân.

Mình chọn dành năng lượng để chuyển hoá, thay đổi thói quen trong cảm xúc và suy nghĩ của chính mình. Để dù ai có nói gì hay làm gì, hay mình có nhìn thấy một căn nhà như thế nữa, mình vẫn ổn.  


Những điều hiệu quả hơn có thể tập trung là:

- Học cách thay đổi thói quen suy nghĩ, 

- Tạo thói quen có những cảm xúc mới,

- Ôm ấp và giải toả cơn đau cũ, ở tầng tế bào


2. Thuốc trầm cảm không phải thần dược giải quyết triệt để vấn đề của mình

Một lưu ý đó là, thuốc không giúp mình giải quyết triệt để “vấn đề của mình”. Bạn có thể có một hoàn cảnh khác. Mỗi người là một cá nhân cực kỳ độc đáo và con đường đi khác biệt.

Mình hoàn toàn biết ơn thuốc. Nhờ thuốc mà mình đã có thể sống sót được 3 năm trời. Thuốc đã là cái phao (tạm thời) của mình trong thời gian đen tối ấy. 

Nhưng thuốc không giải quyết được vấn đề triệt để. 

Triệt để ở đây có nghĩa là mình làm chủ được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Và mình trải qua rất nhiều mệt mỏi với chuyện uống thuốc. Hồi ấy (cách đây chừng hơn 20 năm), trầm cảm không phải căn bệnh được nhìn nhận phổ biến như bây giờ. Nên thuốc men cũng rất khó kiếm. Việc duy trì liên tục uống thuốc là một thử thách với mình tại thời điểm ấy.

Mình cũng dị ứng rất mạnh với Prozac, thuốc đầu tiên Mark kê. Prozac là loại thuốc giúp giữ lại serotonin trong cơ thể, để mình cân bằng, thư giãn và hạnh phúc hơn. Mình đã điên đảo trong tuần đầu tiên sử dụng prozac. Mark chuyển sang kê cho mình Lithium, là một loại thuốc điều trị bệnh thần kinh như rối loạn lưỡng cực. 

Tuy nhiên, sau chừng ấy năm miệt mài thuốc Lithium, mình vẫn ở điểm xuất phát. Sự tự chủ của mình không tăng thêm (nếu không uống thuốc). Tức là nghiện thuốc, không có thuốc là toi luôn. Việc quản lý cảm xúc của mình cũng không khá lên nhờ Lithium. Và cơ thể mình khá nhạy cảm, nên chịu khá nhiều các phản ứng phụ từ thuốc.

Thuốc đã giúp mình cân bằng được một khoảng thời gian, nhưng không hề là liều thần dược như mình đã tưởng tượng. Mình phải tìm một cách khác toàn diện, gốc rễ hơn. 

3. Chỉ có mình mới có thể là người thay đổi số phận của mình!


Bác sĩ hay nhà trị liệu tâm lý, hay người yêu, hay cha mẹ, hay bất cứ ai, dù rất giỏi chuyên môn và yêu thương chúng ta vô hạn, đều không có trách nhiệm và không thể quyết định mình có hết trầm cảm hay không.

Tất cả đều sẽ cố gắng hết sức họ, trong khả năng họ có thể để hỗ trợ mình. Nhưng không một ai, ngoài bản thân mình, có sức mạnh

Có đỡ trầm cảm hơn hay có hết hẳn hay không, hoàn toàn nằm ở bản thân mỗi người. 

Mình không thể khá hơn được nếu trông đợi bất cứ ai khác chữa lành cho bản thân mình mà tự bản thân mình không chịu trách nhiệm về việc đó.
Thậm chí những lời khuyên trong quá trình điều trị, cũng chỉ là những lời khuyên. Mình phải là người có trách nhiệm xem xét, lựa chọn có làm theo hay không. Vì chung cuộc, không ai biết mình bằng chính bản thân mình cả.

Và kết quả không đến từ việc nghe lời khuyên hay những ý tưởng hay ho, mà đến từ hành động nho nhỏ mỗi ngày, mỗi ngày một chút, dần dần nhích về phía ánh sáng để bóng tối trầm cảm không còn bao trùm mình nữa.

Previous
Previous

Có mặt cho chính mình

Next
Next

thói quen buổi tối