8 tư tưởng cần thông suốt để dễ chấp nhận bạn đời hơn (và bớt khổ)

Bữa Mai nói mình, hay bà viết về chuyện học cách chấp nhận chồng đi, tui thấy cặp đôi hay không chấp nhận nhau.
Mình bảo: trời ơi thì đây là chuyện khó nhất luôn mà! mà lại là cái gây khổ nhiều nhất.


Thật vậy luôn!
Rồi mình tất tả lục Google, hỏi chatGPT làm thế nào để chấp nhận chồng (còn làm thế nào mấy ông chấp nhận vợ thì kệ mấy ổng thôi),
Nhưng những thông tin mình tìm được rất theo kiểu: haizzz, nghe thấy hay hay, cũng đúng đúng, nhưng mà sao khó thực hành quá, và nó vẫn chưa phải là gốc rễ vấn đề mà mình muốn tìm kiếm.


Thế nên, mình đã lục lọi vốn liếng mấy chục năm tình trường, suy ngẫm lại tất cả những mối tình mình đã không chấp nhận một điều gì đó và buông tay, cả những gì mình đã rất không thích và chọn cách chấp nhận, rồi nhận ra có một vài tư tưởng cốt lõi cần thông suốt, trước khi nói đến việc “làm cách nào” là:

Thứ 1, hiểu đúng “chấp nhận” là gì?


Chấp nhận đối với mình chắc chắc không phải là từ bỏ ước muốn, nhu cầu của bản thân, hoàn toàn không phải là im lặng, làm ngơ, hay ngừng cố gắng giao tiếp về những khác biệt giữa hai người, hay phải xuôi theo người kia và đánh mất bản thân mình.


Chấp nhận là hiểu giới hạn của bản thân, giới hạn của bạn đời, hiểu được sự khác biệt trong tính cách, sự khác biệt trong hành vi, ứng xử hay thói quen. Một cách lý tưởng, là chúng ta nhận thức rõ, và tôn trọng sự khác biệt, có khả năng hiểu được, bù đắp điểm yếu của nhau, trân trọng và tận dụng thế mạnh của nhau, để có thể tìm cách cùng tồn tại nuôi dưỡng mối quan hệ.


Thực tế thì, chúng ta không có toàn bộ thông tin ngay từ đầu để biết và chọn, ah, tôi có thích điều này hay không, tôi có chịu được điều này hay không, để mà quyết từ đầu. Mà nó theo kiểu:
– ngày xưa thì lãng mạn thế, nhắn tin cười khúc khích suốt, giờ thì gọi khản cổ cũng không thấy ừ hử gì!
– hẹn hò yêu đương chán chê không sao, tự nhiên về sống chung lại cứ đêm nào cũng đi nhậu là sao??
– xưa thì kiếm được bao nhiêu bao mình hết, giờ thì còn giấu cả việc được tăng lương có quỹ riêng, trong khi mình phải giật đầu cá vá đầu tôm như thế này!
Rồi giờ mình phải làm sao? mình nhất định không chịu chuyện này! lão í phải thay đổi, mình sẽ làm mọi cách để lão nhận ra lão đã sai quá sai rồi.

Thứ 2, hiểu rõ lý do tại sao mình phải/chọn việc chấp nhận?


Lý tưởng thì,
chấp nhận trân trọng một mối quan hệ là nền tảng để cả gia đình có thể tin tưởng, nương tựa và cùng nhau phát triển.
Thực tế là,
nếu không có sự chấp nhận này, mình sẽ sống trong khổ sở.
người bạn đời của mình cũng sống trong khổ sở.
và con mình cũng sống trong khổ sở.
thôi thì… vì mình vì con hãy cố gắng ha!

Thứ 3, mình có thể chấp nhận gì và không chấp nhận gì? đâu là giới hạn của mình?


Điều này rất cơ bản, mà mình thấy không ít người trong tụi mình không hiểu rõ.
Lần đầu tiên mình suy nghĩ về “giới hạn” là khi cô bạn thân alo lúc 10g đêm:

“eh mày ơi, tao sắp cưới anh T., con K bảo tao ảnh làm ở biên giới lại đẹp trai, chẳng giữ được đâu nên cứ dặn ảnh: anh có đi chơi ngủ qua đêm với ai cũng được, miễn anh đừng nói em và miễn anh đừng mang con riêng về nhà. Tình một đêm không sao miễn em không biết, anh không nhiễm bệnh và miễn anh không yêu ai ngoài em. Mày nghĩ sao? tao có nên nói ảnh vậy không?”


Mình nghe mất ngủ luôn vì không thể tin nổi điều mình mới nghe được. Nhưng đây là thực tế của một người hiểu giới hạn bản thân và từ đó có thể chấp nhận hành vi của chồng miễn là không chạm đến giới hạn đó.
Tuy rằng đây sẽ không phải là giới hạn của mình hay của hầu hết phụ nữ mình biết, việc suy nghĩ và hiểu rõ giới hạn bản thân cực kỳ quan trọng. Để khi có bất cứ chuyện gì phát sinh, mình có một hệ quy chiếu, để xem ah, cái này mình khó chịu, nhưng có nằm trong giới hạn sẽ chấp nhận hay không, mình có nên làm lớn chuyện, khóc lóc thảm thiết hay chửi bới hay không?
Xác định được giới hạn sẽ giúp cả mình lẫn ổng đỡ tốn não (và sức lực, năng lượng) rất nhiều.

Thứ 4, hiểu rõ và chấp nhận một chuyện cơ bản: không ai, kể cả chồng mình, có trách nhiệm hay nghĩa vụ thay đổi bản thân họ vì mình.

Và mình, cũng không có trách nhiệm thay đổi bản thân mình vì bất cứ ai cả.
Không vì giấy kết hôn đã đăng ký, vì tôi đã ngủ với anh và chịu đựng tiếng ngáy của anh hàng đêm, tôi đã an ủi anh những đêm gió trở trời, hay vì chúng ta đã có con với nhau, mà anh phải thay đổi vì tôi.

Tôi cũng chẳng vì đã là vợ anh, là mẹ của con anh, mà tôi phải thay đổi bản thân mình.
Sự thay đổi diễn ra là lựa chọn có suy nghĩ của bản thân mỗi người, là cố gắng riêng của người ta, vì lợi ích của chính bản thân người đó. Có thể lợi ích này là sự yên bình hiếm hoi khi vợ bớt cằn nhằn nếu ta tỏ ra ta sẽ thay đổi.
Một nguyên tắc mình đã luôn tự nhắc nhở, dù yêu đương kiểu gì đi nữa, mỗi người đều chỉ có trách nhiệm với chính bản thân mình. Nếu sự thay đổi mang đến lợi ích tích cực mà người ấy nhìn nhận được, và chấp nhận thay đổi, thì sự thay đổi có khả năng diễn ra và duy trì. Nếu chỉ vì đã là vợ chồng, hay là người yêu mà thay đổi thì thường sự thay đổi ấy hay nhất thời, theo hứng và không bền. Kiểu như thôi để vợ bớt càm ràm, bớt nhức đầu, hôm nay ta ở nhà không đi nhậu. Thì kiểu gì hôm sau, hay tuần sau cũng sẽ lặp lại. Vì người đó chưa nhận thức ra được thay đổi này là cho chính bản thân mình, cho đến khi vì nhậu mà ảnh hưởng tai hại đến những vấn đề khác (sức khoẻ, công việc,…) thì may ra.

Tất nhiên, tụi mình có thể là một cú huých để chồng nhận ra cách cư xử hiện tại không được chấp nhận, gây ảnh hưởng nhiều đến tình cảm, cuộc sống gia đình và cứ tiếp diễn thế này thì không ổn. Chồng có thể thay đổi nhất thời xong nhận ra được lợi ích và cứ đà đấy mà tiến. Nhưng dù gì thì cũng phải quán triệt: chỉ khi chồng nhận ra bản thân mình muốn có lợi ích đấy, mình thay đổi vì chính bản thân mình muốn, chứ không chỉ để cho yên chuyện, thì may ra ổn.

Thứ 5, con người rất khó thay đổi.

Đây là sự thật rất khó chấp nhận": con người rất khó thay đổi. Vì con người là sinh vật của thói quen. Có nghĩa là, phần lớn thời gian, thói quen vận hành chúng ta. Một khi một thói quen đã hình thành, một đường dây thần kinh trong não liên kết một số các tế bào, và bang! cứ thế nó chạy.

Để thay đổi một thói quen thực sự không dễ dàng gì cả.
Nên một việc có thể giúp chúng ta nhẹ đầu hơn một tẹo, là cố gắng phân biệt được, điều chúng ta muốn người kia thay đổi thuộc về tính cách (thói quen hình thành từ hồi bé xíu) hay là một hành vi mới được hình thành gần đây. Phân biệt được chuyện này sẽ giúp chúng ta lường trước được mức độ khó khăn của hành trình sắp tới và quyết định có nên đâm đầu vào hay thôi để dành thời gian đó cafe hay spa làm đẹp cho khoẻ thân.

Thứ 6,


– béo ơi, sao dạo này e thấy mình không có lãng mạn chút nào hết vậy? chán ghê á, e đâu thể sống khô rang chán ngắt vầy cả đời được!
– giờ đầu bố chỉ nghĩ đến cách kiếm sao cho nhiều tiền thôi mẹ ạ, bố hết não nghĩ làm sao để lãng mạn rồi. (oh yeah, mình cũng thích tiền!) với lại, đi chơi có lúc nào có hai người được đâu, đang hứng nói câu chuyện thì lagi đòi mẹ, thế là hết hứng, lãng mạn gì nổi nữa! bây giờ mẹ lúc nào cũng Lagi Lagi, bố đâu có chút thời gian nào riêng.”


Mấy cái mình ghét (ổng sẵn có mình đã không nhận ra, hay trước thích giờ ghét, hay ổng thay đổi giờ mới có) của chồng thì mình nhìn ra dễ lắm, kiểu nhắm mắt cũng biết được ông này hình gì.
Nhưng mấy cái chính bản thân mình thay đổi (hay đã sẵn có ổng đã không nhận ra, hay trước thích giờ ổng ghét) mà chồng vẫn đang phải làm quen hay chấp nhận thì mình ít khi nào để ý tới, hay nhận thức được.


Cuộc trò chuyện ngắn này đã nhắc nhớ một niềm tin cực kỳ quan trọng với mình: “mỗi người đang đều gắng hết sức và đang làm tốt nhất có thể trong nguồn lực mình đang có”.
Mình đã không nhìn thấy được sự cố gắng của chồng, mình chỉ thấy mỗi mình đang cố gắng.
Nên khi có bất cứ điều gì mình không vừa ý, mình luôn lùi lại một bước, trân trọng người ta vì những gì người ta đang cố gắng (mà mình thấy hoặc không), hiểu là trong hoàn cảnh hiện tại, với những nguồn lực người kia đang có (thời gian, tiền bạc, tư duy, thói quen, cảm xúc, hay những khó khăn lên xuống, bất kể chuyện gì đang xảy ra với người kia), họ đang cố gắng hết sức họ.
Trân trọng trước, chia sẻ yêu cầu sau, lúc nào cũng hiệu quả hơn việc cứ yêu cầu đòi hỏi.

Thứ 7, hiểu rõ nhu cầu nào của mình chưa được đáp ứng


Bất cứ lúc nào chồng có hành vi nào ngứa mắt, hãy tập thói quen tự hỏi bản thân mình: điều mình đang điên ở lão chồng liệu có khả năng nào là không phải do lão ấy xấu xa nhất định phải thay đổi, mà là do một nhu cầu nào đó của mình chưa được đáp ứng không? Nhu cầu ấy là gì? Liệu mình có thể tự đáp ứng nhu cầu này thay vì mất thời gian đào tạo lại lão chồng hay không?


Cũng là câu chuyện hôm thứ 6, mình có nhu cầu lớn về sự lãng mạn, giờ tạm chấp nhận việc ổng đang ưu tiên công việc và mình thì lại không dành nhiều thời gian cho ổng, vậy mình có thể tự làm gì?


Mình có thể tự tạo một chút thời gian ở riêng dù ít ỏi, mình có thể tự bày tỏ sự lãng mạn (tự nắm tay ổng trước, tự quan tâm ổng trước không đợi ổng quan tâm mình trước). Và quan sát xem nhu cầu ấy đã được đáp ứng chưa. Thực ra mình nghĩ mình cần đi cafe, đi nhà sách một mình là đã rất ổn rồi. 

Chủ nhật, chọn trận mà đánh!


Biết nó khó như mấy thứ trên rồi, một yếu tố nho nhỏ quan trọng để kéo chúng ta gần với thành công hơn, là Chọn Trận Mà Đánh!
Câu chuyện giữa các chị mẹ than thở về chồng, thường hay tách riêng mỗi cái thứ mà mình muốn chồng thay đổi, tập trung công kích, lý do tại sao yêu cầu của mình là hợp lý, mà quên xét đến toàn cảnh hiện tại mình đang như thế nào.

Và thường thì, tụi mình có cả một danh sách dài những thứ muốn chồng thay đổi.

Như đã nói ở thứ 5, con người rất khó thay đổi. Chỉ một thói quen thôi đã khó, chớ đừng nói đến việc cả danh sách dài như kia, càm ràm cùng một lúc, đụng chuyện này nói chuyện kia, thì còn lâu mình mới thoát ra khỏi được cảnh khổ.

Nên trong cả danh sách dài ấy, hãy cố gắng xem xét hết các yếu tố để khoan hồng cho ảnh, bỏ bớt đi, cái nào tự làm được hãy tự làm, rồi lên thứ tự ưu tiên, cái gì là gấp rút nhất, ảnh hưởng đến mình/con/ảnh nhiều nhất, cái gì đáng nhất hãy nói. Chớ ập cả danh sách vào đầu người ta thì người ta lú luôn, không thay đổi được chuyện gì đâu. Đừng để mình lâm vào cảnh kể lể (trong đầu mình hay cho người khác nghe) lý do của mình hợp lý, hãy nghĩ đến hiệu quả, nghĩ đến mục tiêu:

Mục tiêu của mình là gì, mình muốn gì?

Làm cách nào để đạt được?

(Okay, nếu kể lể mà hiệu quả thì xin mời các mẹ).

Cả bài dài như vậy vẫn chưa đến phần nếu đã chọn trận rồi thì đánh kiểu gì đây? Đành viết sau vậy…

Previous
Previous

Chúng ta có thể quản lý thời gian không?

Next
Next

Có mặt cho chính mình