Làm sao để ra quyết định mà mình sẽ không hối hận về sau?

Ước gì trường học đã dạy tụi mình những gì cần thiết nhất cho cuộc sống thực tế như là: làm sao làm chủ cảm xúc, não tụi mình hoạt động ra sao và ra quyết định như thê nào là chuẩn xác! Thôi không sao, tụi mình đã có trường đời cùng hàng trăm ngàn cơ hội luyện tập, thử sai hàng ngày. Và sau hàng ngàn cơ hội luyện tập thử sai ấy, đây là những điều cốt lõi nhất May rút ra được để quyết định sáng suốt hơn!

  1. Định tâm tĩnh trí

    Không có quyết định chuẩn xác nào được đưa ra mà không có một sự định tâm nhất định. Khi bị rối loạn trong vòng xoáy cảm xúc suy nghĩ hỗn loạn, tụi mình sẽ bị lôi kéo theo đủ thứ khác nhau. Như cảm xúc tức giận chỉ muốn trả đũa ngay người ấy. Hay thất vọng buông xuôi kệ quyết đại sao cũng được. Nên chuyện cần làm nhất trước những quyết định, đặc biệt là những quyết định quan trọng là định tâm lại.

    Một vài hơi thở sâu và nhẹ, buông lỏng vai, thả lỏng cơ mặt một chút. Khi hít thở đủ sâu và đủ lâu, cảm xúc của tụi mình sẽ tạm thời được xoa dịu. Vài hơi thở sâu, một cách kỳ diệu, sẽ đưa tụi mình ra khỏi sự kích thích gấp rút của cơ chế “Bỏ chạy - Chiến đấu” từ cổ xưa. Phần não trước, là phần chịu trách nhiệm suy nghĩ quyết định được kích hoạt trở lại. Hơi thở sẽ điều hoà cơ thể và đưa bản thân ra khỏi vùng rối ren hay hỗn loạn. Để tụi mình tĩnh trí nhìn nhận lại sự việc một cách rõ ràng hơn, chân thực hơn, bao quát hơn. Để tụi mình có thể tĩnh trí suy nghĩ và thực hiện bước thứ 2.

  2. Hiểu rõ mục tiêu

    Bạn đã đọc mẩu hội thoại nổi tiếng trong "Alice ở Xứ sở Thần tiên" của Lewis Carroll chưa?

    Alice: Xin cho tôi biết, tôi nên đi đường nào từ đây?

    Mèo Cheshire: Điều đó phụ thuộc nhiều vào việc cô muốn đến đâu.

    Alice: Tôi không quan tâm lắm là đến đâu.

    Mèo Cheshire: Vậy thì cũng chẳng quan trọng cô đi đường nào…

    Nếu bạn không rõ mình muốn gì, thì làm gì mà chẳng được! Hệ quy chiếu nào cho tụi mình biết chúng ta đang đi đúng hướng đây? Một quyết định đúng đắn là một quyết định sẽ đưa tụi mình đến gần với mục tiêu mà mình muốn đến hơn.

    “Mình muốn đạt được điều gì trong sự việc này?”

    “Nếu chọn hành động theo hướng A thì quyết định này có đưa mình đến nơi mình muốn đến không?”

    Đây là những câu hỏi May luôn tự hỏi mỗi khi cần quyết định. “Mình muốn gì?” Mục tiêu quyết định hành động. Không làm ngược lại. Nếu không rõ mục tiêu trong mỗi hành động, nếu làm mà không biết mình muốn gì, mình đạt được gì thì cũng không thể than thở tại sao mình cứ quần quật mãi mà đời mình không như ý.

  3. Hiểu rõ giá trị của bản thân

    Tụi mình ai cũng có một bộ "la bàn nội tâm" riêng. Đó chính là những giá trị cốt lõi - những điều mà ta coi trọng nhất trong cuộc sống. Khi đưa ra quyết định, việc hiểu rõ và tôn trọng những giá trị này vô cùng quan trọng.

    Mahatma Gandhi từng nói: "Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hài hòa với nhau." Khi quyết định của bạn phù hợp với giá trị cốt lõi, bạn sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn rất nhiều.

    Vậy làm sao để hiểu rõ giá trị của bản thân? Thử dành vài phút suy nghĩ (và tốt nhất là viết ra): "Điều gì thực sự quan trọng với mình?", “Ở sinh nhật tuổi 89, điều gì sẽ làm mình cảm thấy thật tự hào và thoả mãn về bản thân mình?” Có thể đó là tình yêu gia đình, hay đóng góp cho xã hội hay sự trung thực, yêu thương. Hãy viết ra 3-5 giá trị quan trọng nhất với bạn và dùng nó như một "la bàn” mỗi khi cần ra quyết định lớn nhé!

    4. Hiểu rõ cái giá của từng quyết định

    Cái gì cũng có cái giá của nó hết. Bất cứ quyết định nào cũng có cái giá riêng. Sẽ thật tốt nếu tụi mình đủ tỉnh trí để làm một vài phép toán nhỏ trong đầu, để tụi mình tưởng tượng một chút, hình dung một chút về tương lai khi quyết định này đã được chọn lựa. Nếu bạn chưa biết làm cách nào thì hãy thử quy tắc 10 -10-10

    "Quy tắc 10-10-10" là một phương pháp ra quyết định do Suzy Welch - một nhà báo kinh doanh, biên tập viên tạp chí và tác giả người Mỹ - phát triển. Cô giới thiệu quy tắc này trong cuốn sách bestseller của mình "10-10-10: A Life-Transforming Idea" xuất bản năm 2009.

    Cốt lõi của quy tắc này là khi đối mặt với một quyết định khó khăn, bạn hãy tự hỏi bản thân ba câu:

    1. Quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình trong 10 phút tới?

    2. Quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình trong 10 tháng tới?

    3. Quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình trong 10 năm tới?

    Ví dụ nhé, giả sử bạn đang cân nhắc việc có nên bỏ việc để khởi nghiệp không:

    • Trong 10 phút tới: Bạn có thể cảm thấy lo lắng, hồi hộp, nhưng cũng phấn khích về tương lai.

    • Trong 10 tháng tới: Bạn có thể đối mặt với thách thức tài chính, stress từ việc xây dựng doanh nghiệp mới.

    • Trong 10 năm tới: Bạn có thể đã xây dựng được một doanh nghiệp thành công, tự do tài chính và làm điều mình yêu thích.

    Mục đích của quy tắc này là giúp tụi mình nhìn xa trông rộng, cân nhắc cả tác động ngắn hạn và dài hạn của quyết định. Nó giúp ta thoát khỏi cảm xúc nhất thời và có cái nhìn toàn diện hơn.

    Welch cũng nhấn mạnh rằng không có câu trả lời "đúng" hay "sai" tuyệt đối. Quy tắc này chỉ là công cụ để giúp ta suy nghĩ kỹ càng hơn, chứ không phải là công thức bất bại trong mọi trường hợp. Không có quyết định nào là hoàn hảo 100%. Mấu chốt là mình có sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với cái giá phải trả không. Nếu bạn nghĩ "Ừ, mình sẵn sàng đương đầu với thử thách này!", thì yeah, chiến thôi!

    5. Lắng nghe trực cảm

    Bạn có bao giờ cảm thấy có một tiếng nói bé xíu trong lòng mách bảo điều gì đó không? Đó chính là trực cảm đấy! Trực cảm như một người bạn thân thiết, luôn ở bên cạnh và muốn giúp ta đưa ra quyết định đúng đắn. Nhưng đôi khi, tiếng nói ấy quá nhỏ, bị át đi bởi tiếng ồn của cuộc sống và những lo lắng trong đầu. Steve Jobs từng chia sẻ rằng nhiều quyết định quan trọng trong sự nghiệp của mình được đưa ra dựa trên trực cảm. Vậy làm sao để lắng nghe được tiếng nói bé xíu ấy? Thử tưởng tượng bạn đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Hãy nhắm mắt lại, hít thở sâu (một lần nữa, quay lại bước đầu tiên) và tự hỏi: "Mình cảm thấy thế nào về quyết định này?". Đừng vội phân tích, chỉ cần cảm nhận. Nếu bạn thấy một cảm giác nhẹ nhõm, an tâm thì có lẽ đó là lựa chọn đúng đắn. Còn nếu có cảm giác nặng nề, khó chịu thì có thể đó không phải con đường phù hợp với bạn.

Tụi mình hãy nhớ rằng, mỗi quyết định, dù lớn hay nhỏ, đều là một cơ hội để ta học hỏi và trưởng thành. Đừng quá lo lắng về việc phải hoàn hảo, mà hãy tập trung cho việc tiến bộ mỗi ngày. Như cách May.lat ra đời vậy - từng bước nhỏ, tuy hơi vật vã nhưng đầy quyết tâm, tình yêu và đam mê!

Previous
Previous

Bạn có biết “suy nghĩ quá nhiều” ảnh hưởng tới chất lượng sống tiêu cực như thế nào?

Next
Next

5 Sự Thật Bất Ngờ Về Cảm Xúc Sẽ Thay Đổi Cách Bạn Nhìn Nhận Mọi Sự