3 cách nuôi dưỡng ước mơ nho nhỏ trong tim (và không bị dòng đời cuốn trôi)

Những năm ở độ tuổi 20, tràn đầy sức sống nhưng cũng hơi bận chống chọi với trầm cảm, dù vẫn phải kiếm sống nhưng cũng chẳng mấy áp lực, mình chẳng biết mình muốn gì ngoài việc thoát khỏi những cơn xoáy cảm xúc tồi tệ. Mộng ước chung chung thì rất nhiều, kiểu như mình muốn gây dựng sự nghiệp, muốn mình chứng tỏ thực lực, muốn học hỏi, nhưng chẳng biết điều gì cụ thể.

Những năm ở độ tuổi 30, dường như có một chút mơ hồ biết trái tim mình hướng về đâu. Nhưng chẳng đủ trải nghiệm hay kỹ năng để nắm lấy điều vẫn còn hơi mông lung ấy. Và ngụp lặn trong những câu chuyện tình cảm ly kỳ. Rất nhiều thay đổi. Và có con.

Đến khi mình thực sự biết mình muốn gì, phải làm gì để đạt được việc ấy, cảm thấy trải nghiệm đã có chút vững chãi, giọng nói bên trong đã mạnh mẽ kiên cường, cái tôi đã lắng xuống một chút, thì lại có cảm giác mình chẳng còn chút thời gian nào để nuôi dưỡng ước mơ nữa. Con cái, tiền bạc, nhà cửa, công việc, căng thẳng… một ngày 24 tiếng cảm giác trôi nhanh hơn gấp rất nhiều lần so với khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hóng giờ tan học mãi chưa đến. Cảm giác chưa kịp mở mắt làm gì thì bóng tối đã ập đến, mắt muốn díp lại, việc vẫn chưa xong. Cảm giác nhìn thấy ước mơ ở ngay trước mắt nhưng không thể với tay chạm tới được.

Mình tuy chậm chạp nhưng lại cứng đầu, nhất định không để ước mơ này chạy thoát. Khi mãi mới tìm được ra nó. Nên thử đủ cách đủ kiểu. Đào đâu ra thời gian trong ngày, làm thế nào để bảo vệ, để nuôi dưỡng ánh sáng nho nhỏ trong tim này. Và cuối cùng, sau bao nhiêu thử và sai, sau hàng trăm giờ đọc, xem, học theo những người phụ nữ, đàn ông, cũng đã bận rộn giữa dòng đời như thế, vẫn có thể nuôi dưỡng ước mơ và tài năng độc đáo của riêng họ, mình đã rút ra được vài điều.

  1. Nhất định phải biết điều gì làm mình thỏa mãn

    Tụi mình nhất định phải tìm ra điều gì làm trái tim mình rung lên khe khẽ hay reo ca khi nghĩ đến.

    Nếu không biết, hãy tìm kiếm nó, săn lùng nó. Mình đoán là khi lớn lên, tụi mình đã dần quên một số thứ. Môi trường xung quanh thường gò tụi mình vào một cái khuôn suy nghĩ, một cách vô hình. Và có dần dần làm tàn lụi đi những giấc mơ từ thời thơ trẻ. Vì chắc chắn trong tim bạn luôn chứa một vài điều nho nhỏ làm bạn hạnh phúc. Một thú vui, một đam mê, một sở thích, hoặc nhiều sở thích như mình . Đó có thể là đọc sách, hay vẽ, hay tô màu, nhảy, tập một môn thể thao hay kể những câu chuyện, hay hát, hay xây dựng một cộng đồng. Bất cứ điều gì làm từng tế bào trong cơ thể bạn rung lên âm thanh vui sướng, hứng khởi đều xứng đáng được bạn nuôi dưỡng. Vì bạn xứng đáng được vui, được tràn ngập cảm hứng, được hạnh phúc. Hãy lục lọi, hãy lắng nghe. Nằm im trong một chiều gió lộng hay đêm khuya, thật yên, thật tĩnh, lắng nghe trái tim mình thủ thỉ điều gì.

    Hoặc nó có thể là một điều bạn bị ám ảnh, bạn đã chối bỏ nhưng nó cứ dây dưa theo suốt. Như mình, với việc viết. Viết ám ảnh mình. Mình khổ sở với nó. Mình cảm thấy mình không thể viết được (vì những vết thương từ tuổi thơ với viết, vì sự ngại ngùng trì hoãn, vì sợ hãi). Và mình cũng không thể không viết được. Mình cảm thấy rõ ràng khi 83 tuổi, trên giường hấp hối, đây sẽ là điều mình hối tiếc vô cùng, nó sẽ cắn rứt, day dứt mình nếu không thực hiện khi đã có thể. Nên mình phải viết. Để bớt bị ám ảnh. Và rồi tự nhiên từ đó mình thấy thật nhẹ nhõm. Như một phần trong mình được giải phóng. Lúc viết mình buông bỏ mọi vai diễn, chỉ có mình với mình. Mình tìm thấy những phần của bản thân mình chưa từng thấy trong câu chữ. Còn bạn…

    Điều thắp sáng trái tim bạn là gì?

  2. Nhất định phải ưu tiên chốt thời gian sẽ làm việc ấy trước

    Thật kỳ lạ là tụi mình có thể cứ quên những điều thật quan trọng với bản thân. Luôn có những điều gấp rút hơn trước mắt phải làm. Luôn có một dòng chảy bận rộn cuốn mình đi. Mình đã từng nghĩ: cứ cố xong hết hợp đồng này, cố đợi đến khi con hết ốm, hay đến khi mình thảnh thơi hơn, nhất định mình sẽ làm! Và cứ như thế từng tuần, từng tháng rồi từng năm trôi qua, mình vẫn chẳng thể chạm tới điều mình muốn làm. Dường như tất cả những việc khác đều quan trọng hơn việc mình muốn làm nhất. Dường như tất cả những người khác đều được ưu tiên hơn bản thân mình. Dù có thể trong đầu không nghĩ như vậy, nhưng hành động lại thể hiện điều ấy.

    Điều ấy mang đến một cảm giác kỳ lạ khi mình thực sự cảm nhận nó. Nếu không có cơ thể này, không có những suy nghĩ, cảm xúc, linh hồn hay bất cứ điều gì khác cấu thành “mình”, thì thế giới của mình chẳng phải cũng tan biến đi mất ư? Khi mình mất đi, thì thế giới của mình cũng biến mất. Như vậy, chính bản thân mỗi người không phải là quan trọng nhất với mỗi tụi minh hay sao? Hiểu thấu được bản thân mình quan trọng đều cơ bản nhất để sống một cuộc đời như mình mong muốn.

    Nó đặt nền tảng cho tư duy quan trọng nhất:

    “mình giá trị”,

    “ước mơ của mình giá trị”

    “mình xứng đáng được làm điều mình mong muốn”

    “ước mơ của mình xứng đáng được thành hình”

    Chỉ như thế tụi mình mới có thể nhìn nhận bản thân mình đúng mực và thực sự quý trọng sự tồn tại màu nhiệm của cơ thể này. Cả những giấc mơ mà cơ thể ấy mang trong mình nữa.

    Và chỉ như thế, tụi mình mới bắt đầu có thể xếp lịch cho ước mơ của mình trên hết.

    Không có nghĩa là tụi mình phải bỏ lơ mọi thứ. Tụi mình hầu hết đều cần kiếm tiền và chăm sóc cho gia đình. Những điều ấy cũng rất quan trọng và đòi hỏi nhiều thời gian. Và hãy cố gắng ưu tiên thời gian cho ước mơ của mình trước hết.

    Vì đã không dậy nổi buổi sáng, mình đã thử đợi xong hết các việc ban ngày rồi mới bắt đầu lôi ra việc viết lách. Và bất chấp mọi nỗ lực, mắt mình cứ díp lại, cơ thể mình kiệt sức, danh sách các việc trong ngày vẫn chưa xong hết, đầu óc quá hỗn loạn để có thể tịnh tâm lại. Mình chỉ càng cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi hơn. Để viết, dù ghét việc phải dậy sớm, mình vẫn phải tập. Nếu ước mơ mình quan trọng đến mức ấy, thì việc mình phải điều chỉnh là tất nhiên. Không chỉ một hai buổi hay một hai tuần, mình mất mấy tháng mới có thể quen được. Như tất cả các thói quen đều cần thời gian thích ứng và bám rễ, rồi mình đã có thể thức dậy thoải mái hơn. Và khoảng thời gian 2 tiếng quý giá buổi sáng ấy là nền tảng cho mọi thứ của mình.

    Nơi mình có thể lánh vào, thoát ra hết khỏi vòng xoáy hàng ngày bận rộn quay cuồng tính toán. Nơi mình có thể chăm sóc cho thân tâm một chút và từng chút một thực hiện ước mơ. Mỗi ngày một chút. Mỗi sáng một tẹo.

    Cứ 6g30 sáng vòng xoáy cuộc sống sẽ ập tới, và mình đã xong những việc quan trọng nhất với bản thân. Vì trước đó mình cũng đã xếp xong lịch trong ngày, biết được việc gì quan trọng nhất cần làm, cho con cái, cho công việc, cho những dự án đang triển khai, mọi việc cũng thuận lợi hơn, đầu óc mình cũng tập trung hơn để xử lý.

    Để có cảm giác “tự do”, thứ 7 hàng tuần là lúc mình “xõa”. Mình dậy sớm nếu muốn. Nướng thêm nếu muốn. Không theo bất cứ khuôn khổ nào. Vào thứ 7 hàng tuần. Còn bạn, nếu bạn đã biết điều gì làm con tim reo vui, thời điểm nào trong ngày là lúc bạn có thể lánh vào? Và từng chút chạm đến ước mơ?

  3. Nhất định phải bảo vệ ước mơ và khoảng thời gian ấy

    Thích ứng - đâu là điều kiện tốt nhất để kết nối với ước mơ dễ dàng nhất mỗi ngày?

    Sự viết của mình cũng khá đỏng đảnh. Để viết được, mình đã phải sắp xếp nhiều thứ. Viết lúc nào, viết như thế nào, viết cái gì. Làm sao để tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi để việc viết được dễ dàng hơn? Mình đã có rất nhiều rào cản tâm lý trong việc bộc lộ bản thân trên con chữ. Mình lập hẳn một blog nhỏ với một bức họa mình cực kỳ yêu thích để kích thích việc viết lách dễ dàng hơn. Từng chút một xoay xở, để hiểu việc viết lách, học các kỹ năng, hiểu cách tư duy mình ứng biến với việc viết, cảm được điều gì thoải mái hơn với cơ thể mình. Còn dày công sức hơn cả việc tìm hiểu chăm chút người yêu. Vì việc viết xứng đáng được đầu tư như thế. Ước mơ của mình xứng đáng được mình chiều chuộng, quan tâm như thế.

    Bảo vệ - bằng mọi cách

    Vòng xoáy cuộc sống vẫn ập đến. Con vẫn đau. Mình vẫn mệt. Chuyện gia đình xảy ra bất thình lình. Rồi du lịch. Công việc đột xuất. Thật thú vị mình chẳng thể lường hết trước được ngày mai sẽ ra sao. Đang đà hứng khởi ghê lắm thì lăn ra ốm cả nhà. Những lúc ấy rất dễ nản hay mất đà. Mình đã quan sát và nhận ra rằng, dù chuyện gì xảy ra cũng cố gắng không bỏ thói quen quá 2 ngày. Lê lết cỡ nào cũng cố kết nối với ước mơ một tẹo thôi cũng được. Không cần hoàn hảo, không cần làm nhiều, không cần làm hết. 5 phút cũng được, 2 phút cũng được.

    Duy trì sự kết nối linh hồn, cảm xúc và cơ thể hàng ngày với mình và điều quan trọng ấy. Để nó được tiếp diễn và hằn sâu đậm.

    Và thế là, những con chữ này, từng ý tưởng của mình, hàng ngày được thành hình và chia sẻ. Mình yêu việc ấy. Mỗi ngày lại yêu lại như ngày đầu. Tình yêu nào dường như cũng vật vã. Và xứng đáng.

Previous
Previous

3 cách để tụi mình trở nên thú vị hơn

Next
Next

5 sức mạnh kỳ diệu của một cái Ôm!